Tản mạn nghề luật sư
Trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư, chắc không ít trường hợp gặp những vụ việc, những sự cố nho nhỏ có vui cũng có buồn lớt phớt và có cả bực mình.
TẢN MẠN VỀ NHỮNG CHUYỆN NHỎ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHỀ NGHIỆP CỦA MỘT LUẬT SƯ
Trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư, chắc không ít trường hợp gặp những vụ việc, những sự cố nho nhỏ có vui cũng có buồn lớt phớt và có cả bực mình.
Đó cũng là chuyện thường ngày của cuộc sống, nghe qua rồi bỏ. Bản thân tôi cũng vậy, qua gần 15 năm hành nghề luật sư, tuy không thật sự chuyên nghiệp trăm phần trăm (60% thời gian phải đi giảng dạy ở các đại học), nhưng thỉnh thoảng cũng gặp những việc nho nhỏ vui, buồn cũng có, bị phiền hà cũng vài chặp, xin tản mạn kể lại cho vui những lúc “trà dư tửu hậu”, đồng thời cũng để rút kinh nghiệm sơ sơ trong hoạt động nghề nghiệp.
Xin gặp thân chủ thật gian nan!
Chuyện này khá phổ biến đối với luật sư, chủ yếu là đối với các thân chủ “bị can, bị cáo” trong vụ án hình sự. Ngoài việc luật sư phải đụng đầu với những “nguyên tắc cứng ngắt” ở một số cơ quan tố tụng, một số thái độ gây khó khăn do cá tính (kể cả tư cách quan liêu) của một số không nhỏ của cán bộ viên chức thuộc các cơ quan này, cũng có thể nói có sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tố tụng, nơi này “nói thế này”, nơi kia lại có quy định khác. Nhất là việc tham gia trực tiếp trong các buổi cung của công an điều tra đối với các bị can là thân chủ của mình, là cả một quá trình với nhiều phối hợp nhiêu khê vừa phiền phức, vừa khá tốn kém thời gian và phải tới lui năm lần, bảy lượt. Có trường hợp bản thân tôi đã từng gặp, rất mất thời gian, để chờ cơ quan điều tra chuẩn bị cả máy quay phim để quay phim buổi hỏi cung bị can có luật sư tham gia trực tiếp kéo dài hết cả buổi sáng, với lý do rất tế nhị, mềm mỏng do cán bộ điều tra đưa ra là để lưu trữ hồ sơ.
Có điều tôi ngạc nhiên, là với Pháp Lệnh về Tổ chức luật sư năm 1987, việc luật sư gặp thân chủ là bị can trong vụ án có vẻ dễ dàng vì rất đơn giản về thủ tục (trừ quy định tham gia trực tiếp cùng cảnh sát điều tra trong buổi hỏi cung thời đó chưa có, mà mới quy định sau này bởi Luật Tố tụng hình sự mới) với giấy giới thiệu tới cơ quan cảnh sát điều tra ghi ý kiến chuyển xuống ban quản lý trại giam trong vòng 30 phút là luật sư có thể gặp thân chủ dễ dàng không khó khăn như sau ngày có Luật Luật sư.
Trên 13 năm chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh về Tổ chức luật sư, bản thân tôi đã có không dưới 50 lần gặp thân chủ là bị can ở nhiều nơi đều rất gọn nhẹ, ít tốn kém thời gian.
Cần thống nhất và đơn giản việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ hoặc chứng nhận bào chữa cho bị cáo
Hiện nay đã và đang có hiện tượng thiếu nhất quán về quy định ở các toà án (kể cả các cấp toà án) về việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ kiện dân sự, kinh tế, hành chính và giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo. Có toà bắt buộc phải có đầy đủ các giấy chứng nhận này thì luật sư mới có đủ tư cách hợp pháp tham gia tố tụng tại toà và nhiều khi phải làm thủ tục cách ngày hoặc thậm chí đến 3, 4 ngày sau (vì thẩm phán phụ trách thụ lý vụ án bận rộn hoặc đi vắng) luật sư mới lấy được giấy chứng nhận, nhưng cũng có nhiều trường hợp thẩm phán và thư ký toà phối hợp giải quyết khá linh hoạt chỉ cần ngồi chờ 15 phút là có giấy chứng nhận ngay hoặc có trường hợp thư ký toà thay mặt thẩm phán phụ trách thụ lý vụ án thông báo luật sư nộp đủ giấy yêu cầu luật sư, bản photo chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư là đủ, khỏi cần giấy chứng nhận gì cả. Có trường hợp, cô thư ký một phiên toà dân sự còn mạnh dạn dặn dò luật sư là chỉ cần đến trước giờ mở phiên toà xét xử chừng 30 phút nộp đủ hồ sơ theo yêu cầu (phiếu yêu cầu luật sư của thân chủ, bản photo giấy chứng nhận hành nghề và thẻ luật sư có đối chiếu bản chính tại thư ký toà) là đủ, khỏi phải cần giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng được chấp nhận (đối với các vụ kiện dân sự, kinh tế, hành chính).
Trong thời gian hành nghề sau khi Luật Luật sư có hiệu lực đến nay, bản thân tôi đã trải qua khá đầy đủ các tình huống khó khăn quá cũng có, dễ dàng thông thoáng cũng không hiếm về thủ tục để được tham gia tố tụng tại toà như nói trên.
Theo tôi, mặc dù có quy định luật pháp về việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo, nhưng cũng nên đơn giản hoá thủ tục cho Luật sư như thời kỳ áp dụng Pháp lệnh về Tổ chức luật sư 1987, không cần đòi hỏi phải được cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia bảo vệ thân chủ của mình tại toà trong các vụ kiện dân sự, kinh tế, hành chính.
Nên chăng, chỉ bắt buộc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư đối với thân chủ là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, vì các lý do bảo mật thông tin vụ án và các yêu cầu tế nhị, có tính cách trách nhiệm của luật sư khi tham gia trực tiếp các buổi hỏi cung của cảnh sát điều tra, gặp bị can tại trại giam hoặc nghiên cứu trực tiếp hồ sơ vụ án liên quan đến nhiều bị cáo, nhiều đối tượng hoặc có dính đến các vụ án hình sự khác đang được tiếp tục điều tra.
Thực tế, hiện nay về mặt tâm lý, không ít thẩm phán và thư ký toà cũng có quan điểm muốn bỏ việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đối với các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính. Sự đồng thuận này rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là cần có một qui định văn bản dưới luật tố tụng dân sự về việc thống nhất đơn giản hoá thủ tục này, để tất cả thẩm phán đều mạnh tay áp dụng một cách nhất quán, đồng bộ mà không sợ rủi ro bị “bắt giò”.
Thẩm phán buồn ngủ tại toà
Gần đây, bản thân tôi có tham gia bảo vệ cho một thân chủ Việt kiều, bà H.E, với tư cách là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, phiên Toà triệu tập đúng 7 giờ 30 sáng mà mãi đến hơn 9 giờ 30 mới bắt đầu được, trước sự nóng lòng giữa hai bên nguyên đơn và bị đơn. Cô thư ký toà cũng lo lắng không kém, đã phải liên hệ điện thoại đến hai, ba lần và đã phải thông báo xin lỗi các bên và luật sư là “có một thẩm phán bị kẹt xe phải đến trễ”. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi về tình hình giao thông đường phố, vào thời điểm từ 8 giờ 30 trở đi (trừ giờ thông tầm) tuyến đường đó, địa bàn đó việc di chuyển không có kẹt xe đến nỗi phải đến trễ quá như vậy.
Khi vào phiên toà, lý do kẹt xe được ngầm hiểu một cách bất ngờ, đồng thời cũng củng cố sự nghi ngờ của tôi. Vị thẫm phán đó suốt phiên toà đã ngồi “ôm” tờ báo Tuổi Trẻ, đôi mắt hơi lờ đờ, thỉnh thoảng hơi gật lên gật xuống. Và đặc biệt khi với tư cách luật sư, tôi đang đặt câu hỏi với “bị đơn dân sự”, thì vị thẩm phán này có vẻ mơ mơ màng màng nên đã phát biểu lưu ý không đâu vào đâu cả là “Đề nghị luật sư chưa phát biểu luận cứ bảo vệ, chỉ hỏi mà thôi”. Tôi bèn phát biểu hơi lớn tiếng: “Xin lỗi, tôi đang hỏi bị đơn, chứ chưa đưa ra luận cứ bảo vệ”. Tôi có cảm giác tới thời điểm đó, vị thẩm phán này mới “tỉnh giấc” về với thực tại.
Đây là chuyện hơi buồn cười. Nhưng qua đó, tôi rất đồng tình với ý kiến đề nghị của một tác giả đã có bài viết trên Bản Tin Luật sư mấy tuần trước, về việc xây dựng đội ngũ thẩm phán suốt đời như các nước Âu Mỹ, chỉ tuỳ thuộc sức khoẻ hành nghề, chứ không theo quy chế tuổi hưu trí của cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính công quyền khác, để đảm bảo nâng cao về kiến thức luật pháp chiều sâu, kinh nghiệm thực tiễn trong vận dụng luật pháp, đảm bảo cả tác phong chững chạc, nếp sống đạo đức nghiêm túc với bản lĩnh trong độc lập xét xử theo luật pháp và thực tiễn từng vụ án. Theo tôi, nghề luật sư cần tính năng động hùng biện, sáng tạo, còn thẩm phán cần sự đúng đắn, nghiêm túc, khách quan, công bằng và dày dạn kinh nghiệm để thể hiện đúng mực cán cân công lý.
Yêu cầu về xây dựng đội ngũ thẩm phán suốt đời kể cả tuyển chọn các luật sư giỏi chuyển ngành vào vai trò thẩm phán, được chứng minh thêm qua thực tiễn một vụ án hình sự nhỏ mà một luật sư cộng tác của văn phòng luật sư chúng tôi đã tham dự cách đây mấy tháng. Đó là một vụ trộm cắp nhỏ 18 cái áo thun tại một xí nghiệp liên doanh may mặc, bị cáo B đã bị bắt quả tang và tài sản đã được thu hồi đầy đủ, nhưng Hội đồng xét xử qua bản án đã nhận định hành vi trộm cắp của bị cáo là rất nghiêm trọng đã là không phù hợp về mức độ và còn mâu thuẫn khi chỉ đưa ra phán quyết mức án nhẹ 18 tháng tù treo, rõ ràng không ăn khớp với phần nhận định có vẻ nghiêm trọng đối với hành vi phạm pháp của bị cáo.
Rõ ràng qua vụ xét xử này, chứng tỏ một số thẩm phán trẻ có kiến thức luật pháp chưa sâu và vận dụng luật pháp qua thực tiễn còn thiếu nhiều kinh nghiệm.
Yêu cầu luật sư phát biểu nhỏ lại, đừng nói lớn!
Một hôm, tôi đang bảo vệ thân chủ mình trong vụ kiện “tranh chấp quyền sử dụng đất” mà thân chủ tôi là nguyên đơn, khi đang trình bày luận cứ một cách khá hùng hồn, ngon trớn thì một thẩm phán trong hội đồng xét xử lên tiếng: “Yêu cầu luật sư phát biểu nhỏ lại, đừng lớn tiếng nữa”. Tôi hơi ngạc nhiên về việc chỉnh lý của vị thẩm phán này, vì từ trước đến nay cả hàng trăm vụ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự hoặc bào chữa cho các thân chủ là bị cáo trong các vụ án hình sự, tôi đều đã trình bày luận cứ một cách bình thường như vậy, một cách hăng say, tích cực và tính lý luận đảm bảo khá chặt chẽ. Không hiểu sao hôm nay vị thẩm phán “chỉnh lý” không đâu vào đâu” làm mình mất hứng. Nhưng với tư cách luật sư, tôi cũng tế nhị, lịch sự phát biểu“xin lỗi, luật sư chúng tôi có thói quen phát biểu lớn tiếng, để nhấn mạnh làm rõ luận cứ bảo vệ của mình mà thôi!” Nhưng bản thân tôi cảm thấy rất tự tin và yên tâm vì cái “tật hợp pháp của nghề nghiệp” phải nói lớn vậy thôi và cũng vui khi thoáng thấy vị thẩm phán chủ tịch hội đồng xét xử và một thẩm phán ngồi bên cánh gà tay trái, và cả đại diện viện kiểm sát đều biểu lộ trên nét mặt là không đồng tình với vị thẩm phán vừa đưa ra yêu cầu trên.
Thực tế, thì những luật sư đồng nghiệp nào đã từng hành nghề tư Pháp lệnh về Tổ chức luật sư năm 1987 (kể cả trước đó theo quy chế bào chữa viên nhân dân), thì ngoài bẩm sinh về chất giọng, còn có tình hình thực tiễn một thời gian khá dài sau ngày giải phóng, có những phiên toà với phòng xét xử rộng, mà thiếu các phương tiện kỹ thuật, nhất là việc thiếu micro bố trí cho luật sư, mà lại ngồi khá xa hội đồng xét xử, nên nhiều luật sư đồng nghiệp phải tập “luyện giọng” cho lớn để phát huy hiệu quả và tác dụng của bài bào chữa hoặc luận cứ bảo vệ của mình. Ráng sức lâu ngày trước nhiều phiên toà, đã tạo cho nhiều luật sư trở thành thói quen phát biểu lớn trước toà, góp phần tăng khả năng lý luận và hùng biện tốt cho nghề nghiệp vậy thôi. Aâm giọng lớn cũng là lợi thế trong bào chữa ở toà vậy.
Câu chuyện vỗ tay ở phiên toà
Trong những ngày đầu “tập tành” hành nghề luật sư, cách đây đã lâu, tôi phải nhận bào chữa cho hai bị cáo trong hai vụ án hình sự. Một vụ, thân chủ của tôi là bị cáo N, bị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố về tội “che giấu tội phạm” (theo Điều 246 Bộ Luật Hình sự ngày 01/01/1986). Bị cáo vốn là một ca sĩ tụ điểm là người yêu, sống như vợ chồng, với tên tội phạm cướp giật HT và nhờ cướp giật mà tên HT đã mua sắm được nhiều đồ trang sức, kể cả lo tiền thang thuốc chữa bệnh cho cha ruột của bị cáo N bị bệnh hoại tử, đến nỗi phải cắt bỏ cả hai chân, phải đi lại bằng nạn gỗ. Bài bào chữa của tôi đã chứng minh được một cách thuyết phục là bị cáo N hoàn toàn không hay biết HT là một tội phạm cướp giật, mà chỉ quen biết HT như là khán giả mến mộ giọng hát của mình tại tụ điểm ca nhạc, sau đó tiến đến yêu nhau và chấp nhận sống như vợ chồng không giá thú, vì HT nhìn bề ngoài là một thanh niên bảnh trai, có râu mép và thể hiện như là con nhà giàu có nhiều tiền chăm sóc cho bị cáo N (mà vì mặc cảm nhà nghèo, cha ruột tật nguyền, nên không bao giờ bị cáo N dám đề nghị HT đưa về nhà cha mẹ của HT để cho biết hoặc thăm chơi). Việc gắn bó giữa bị cáo N và HT ngoài tình cảm yêu thương nhau, còn có nguyên nhân vì hoàn cảnh của bị cáo N quá nghèo khổ, cha bệnh tật, mẹ mất sức lao động, một mình bị cáo N phải vất vả nuôi bốn miệng ăn (kể cả 2 cậu em ruột còn đi học), cả bản thân N. Mối quan hệ tình cảm và kinh tế này không thể đồng hoá với tội che giấu tội phạm được. Nhờ các tình tiết của vụ án (kể cả các tình tiết giảm nhẹ) đã tạo cho bản thân tôi đầu tư trí tuệ, chấp bút một bài bào chữa khá hay, khá chặt chẽ và xúc động, đi đôi với việc tôi đã khéo đạo diễn cho đưa cả cha mẹ già của bị cáo N đến ngay tại phòng xử và khi nhấn mạnh đến hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của bị cáo N, tôi đã chỉ tay giới thiệu với Hội đồng xét xử cùng lúc cha ruột của bị cáo N đứng dậy giữa Toà trên hai cây nạn gỗ với hai chân đều cụt, làm cho phòng xử án một hai phút im phăng phắc xúc động. Sau đó theo diễn tiến của các luận cứ bào chữa của tôi không lâu, một tràn pháo tay vang dội đã nổ ra. Thẩm phán chủ toạ phiên toà đã phải lưu ý đây là phiên xét xử tại toà, chứ không phải tại cuộc hội thảo, yêu cầu các bà con tham dự không được vỗ tay, vi phạm nội qui phiên toà.
Kết quả là hội đồng xét xử đã ra phán quyết bị cáo N vô tội và tuyên trả tự do ngay tại toà.
Ở một vụ hình sự khác, tôi nhận bào chữa cho bị cáo M can tội “giao cấu với người dưới 16 tuổi”, theo Đ114 Bộ Luật hình sự 1986” với cháu K do gia đình cô gái “nạn nhân” tố cáo với công an hình sự và sau đó viện kiểm sát có cáo trạng truy tố bị cáo M trước toà. Trong phiên xử, bằng bài bào chữa, tôi đã chứng minh được các điểm quan trọng để giải tội cho bị cáo M: Thứ nhất là nạn nhân không phải trẻ vị thành niên vì giấy khai sinh cũ thất lạc, phải làm lại giấy khai sinh mới mà mẹ của nạn nhân rất ú ớ trong việc xác nhận năm sinh của con trước toà; nạn nhân đã trả lời thẩm vấn tại toà là mình chủ động tạo mối quan hệ thân quen rồi yêu thương bị cáo M, chính nạn nhân K cũng đã đặt ra nội qui sinh hoạt cho bị cáo M bằng một bài thơ “thất ngôn bát cú” qui định cả việc ăn uống, đi chơi, đi học và quan hệ bạn bè cho M, chứng tỏ “nạn nhân” đã có sự trưởng thành, khôn ngoan hơn cả bị cáo rất nhiều. Qua bản nội qui mà cô gái “nạn nhân” gởi cho bị cáo trong quá trình quan hệ tình cảm, đã có sự nhắc nhở, dạy khôn cho bị cáo M này rất nhiều vấn đề.
Bài bào chữa của tôi vừa chấm dứt, cả hội trường phiên xử vang dội tiếng vỗ tay, đặc biệt là của bà con thân nhân của phía bị cáo. Kết quả là hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 114 khoản 1 và Điều 38 về “những tình tiết giảm nhẹ” và Điều 44 BLHS năm 1986 về “án treo” tuyên phạt một bản án khá nhẹ nhàng với mức án 3 năm tù treo đối với bị cáo M.
Hôm đó, tình cờ tôi thấy vui vui, phấn khởi khi ra khỏi phòng xử án, một vị hội thẩm nhân dân thuộc bậc đàn anh về mặt kiến thức luật pháp và cả tuổi đời, đã vỗ vai tôi và khen ngợi: “Em bào chữa tốt lắm”. Lời động viên của một hội thẩm nhân dân, theo tôi đánh giá, là thành thật xây dựng, tin cậy được. Vì vị hội thẩm đó, anh HNC, đã từng là dân biểu đối lập ở Hạ nghị viện chế độ Sài Gòn cũ và sau giải phóng, với nỗ lực bản thân, anh đã không ngừng tiến thân trên lĩnh vực tư pháp, tham gia là thành viên của cả hội luật gia thành phố và luật gia trung ương, thành viên của cả Uỷ ban Mặt trận TP và Trung Ương, được cử làm trưởng ban hội thẩm nhân dân nhiều năm với nhiều kinh nghiệm, anh cũng là hạt nhân qui tụ quần chúng rất tốt tại đền thờ Trần Hưng Đạo và đình Nhân Hoà, hàng năm tụ họp khá nhiều bạn bè cả ba thế hệ để lễ bái và thăm hỏi, giúp đỡ nhau khá tận tình.
Nhưng phải nói các vụ vỗ tay tại toà tuy có vi phạm nội qui phiên toà xét xử, nhưng đã có tác dụng khích lệ sự phấn khởi của luật sư bào chữa. Bản thân tôi cũng thấy rất vui, rất khoái chí, sướng cái bụng. Tôi hồi tưởng lại những năm 1969 đến 1972 tại Sài Gòn Gia Định, dưới chế độ Sài Gòn cũ, phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên học sinh Sài Gòn Gia Định rát sôi nổi, chế độ Sài Gòn đã phải lập các toà án mặt trận để xét xử các SVHS tranh đấu, sau các đợt đàn áp bắt bớ, về tội “phá rối trị an”. Các phiên toà diễn ra rất sôi nổi, với các bài bào chữa cho SVHS tranh đấu rất hùng hồn đầy tính chất đấu tranh, sát phạt của các luật sư Vũ Văn Huyền, Luật sư Bùi Chánh Thời đã nhận được những tràn pháo tay và tiếng hoan hô vang dội, mặc dù cảnh sát Sài Gòn đã phong toả rất nghiêm ngặt, hạn chế người vào tham dự các phiên toà mặt trận này. Hình ảnh các luật sư tại các phiên toà trên đã gây ấn tượng khá sâu sắc đối với bản thân tôi thời kỳ tuổi trẻ đang là sinh viên trường Luật khoa Sài Gòn cũ. Đây cũng là những kỷ niệm có nhiều ấn tượng, khiến tôi sau này thích thú hành nghề luật sư.
Trên đây là một số mẩu chuyện nho nhỏ mà bản thân tôi, với tư cách luật sư, nhớ lại và tản mạn cho vui với một vài kinh nghiệm khiêm tốn, nghe qua rồi bỏ.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm