0965 538 458

Xử lý tranh chấp nội bộ trong công ty - Luật An Khang

Tranh chấp trong nội bộ công ty xử lý như thế nào?


Kính gửi luật sư! Tôi là T hiện đang làm việc ở Tp Cần Thơ! Vào đầu năm nay tôi và một người anh đồng nghiệp chơi thân với nhau là anh M quyết định thành lập công ty về kiến trúc xây dựng.

Anh B còn rủ thêm một thành viên là anh C cùng góp vốn. Chúng tôi đầu tư 200 triệu đồng theo thỏa thuận: Anh C góp 100 triệu đồng không quản lý công ty sẽ được hưởng lợi nhuận là 30%, anh B góp 60 triệu đồng được hưởng lợi nhuận là 38%, tôi góp 40 triệu đồng được hưởng lợi nhuận là 32% trên doanh thu sau khi trừ đi chi phí. Chúng tôi chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Anh B cũng định hướng là công ty TNHH và để anh làm giám đốc với vốn điều lệ 1.8 tỉ đồng. Trong đó, Anh B góp 1.1 tỉ đồng (chiếm 61.11% vốn điều lệ), tôi sau nhiều lần thỏa thuận anh B mới cho tôi góp 500 triệu đồng (chiếm 27.78% vốn điều lệ), còn một người bạn khác của anh B nhưng tôi không biết góp 200 triệu đồng (chiếm 11.11% vốn điều lệ).

Sau một thời gian hoạt động, anh B giành quyền quản lý hết tài chính Công ty, tự ý ký hợp đồng với 1 bên thi công giá trị hợp đồng 2,2 tỷ. Nhưng số tiền đó anh chuyển về tài khoản cá nhân. Tôi giữ chức vụ Phó giám đốc nhưng không được điều hành, chỉ phụ trách kĩ thuật và làm việc bán thời gian vì tôi vẫn đang làm ở công ty cũ. Công trình mới ký hợp đồng công ty thi công trong vòng 3 tháng. Khi gần kết thúc công trình anh B trao đổi với tôi 3 phương án:

PA1: Đề nghị tôi về làm toàn thời gian ở công ty này và hạ mức cổ phần của tôi xuống còn 25%, lương 03 triệu đồng/tháng.

PA2: Lương 7-8 triệu đồng/tháng, cổ phần giảm xuống còn 15%.

PA3: Đề nghị tôi rút vốn lấy tiền về do công ty đang bị thua lỗ.

Nhưng tôi là người làm dự toán và vẫn nắm chi phí công trình. Tôi biết công trình có lãi ở khoảng hơn 300 triệu đồng. Tôi không đồng ý và muốn họp cổ đông, nhưng bạn anh và anh không đồng ý. Anh B nói tôi chỉ được rút số vốn 40 triệu đồng ban đầu thôi. Công trình thi công anh không khai báo thuế đóng hợp đồng nhân công. Anh khai báo tài chính lỗ để không đóng thuế doanh nghiệp. Theo luật sư tôi phải làm như thế nào để hợp lý để quyền lợi của tôi được đảm bảo… Cảm ơn luật sư!

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 0965 538458

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật An Khang. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội

Thông tư số 166/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính : Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế

Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, về tranh chấp trong nội bộ công ty:

Quyền của thành viên được quy định tại Điều 50 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 50. Quyền của thành viên

1. Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.

2. Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này.

3. Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

4. Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.

5. Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ.

6. Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

7. Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác theo quy định tại Điều 72 của Luật này.

8. Trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định còn có thêm các quyền sau đây:

a) Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;

b) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng thành viên và các hồ sơ khác của công ty;

d) Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

9. Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại khoản 8 Điều này thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền theo quy định tại khoản 8 Điều này.

10. Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty."

Quyền của Giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên được quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 64. Giám đốc, Tổng giám đốc

1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên."

Quyền của Hội đồng thành viên được quy định tại Điều 56 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 56. Hội đồng thành viên

1. Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

2. Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;

c) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty;

d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

k) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

l) Quyết định tổ chức lại công ty;

m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Trường hợp cá nhân là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty."

Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác quy định tại Điều 71 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

" Điều 71. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác

1. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác của công ty có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;

b) Trung thành với lợi ích của công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối;

d) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được tăng lương, trả thưởng khi công ty không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn.

3. Văn bản thông báo người có liên quan theo điểm c khoản 1 Điều này bao gồm nội dung sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;

b) Tên, mã số doanh nghiệp địa chỉ trụ sở chính, của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần hoặc phần vốn góp trên 10% vốn điều lệ.

4. Việc kê khai quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này phải được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh hoặc thay đổi lợi ích liên quan. Công ty phải tập hợp và cập nhật danh sách những người có liên quan của công ty và các giao dịch của họ với công ty. Danh sách này phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty. Thành viên, người quản lý, Kiểm soát viên của công ty và người đại diện theo ủy quyền của họ có quyền xem, trích lục và sao một phần hoặc toàn bộ nội dung thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này trong giờ làm việc theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty".

Căn cứ vào những quy định trên và theo thông tin bạn cung cấp thì Giám đốc công ty bạn giành quyền quản lý hết tài chính ký hợp đồng rồi lấy tiền về bỏ vào tài khoản cá nhân có công trình trị giá 2.2 tỷ là trái với quy định của pháp luật. Giám đốc chỉ được quyền quyết định các vấn đề theo quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2014, Điều lệ công ty và Nghị quyết của Hội đồng thành viên. Giám đốc có quyền nhân danh công ty ký kết hợp đồng, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Về việc Giám đốc đưa ra những lựa chọn cho bạn hạ tỷ lệ vốn góp là không đúng theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014 và phải được Hội đồng thành viên thông qua theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 và Khoản 4 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2014.

Việc Giám đốc có hành vi vi phạm hành chính về thuế thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Thông tư 166/2013/TT- BTC.

Trước những vi phạm của Giám đốc nêu trên thì bạn với tư cách thành viên công ty có thể khởi kiện Giám đốc theo quy định tại điều 72 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

"Điều 72. Khởi kiện người quản lý

1. Thành viên công ty tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm, dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại Điều 71 của Luật này;

b) Không thực hiện đúng và đầy đủ hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty về các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng thành viên;

c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3. Chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện."

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 0965 538458 hoặc gửi qua email: luatankhang@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật An Khang.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật doanh nghiệp.